Trên thực tế, hầu hết những người chưa có kinh nghiệm nhiều về SEO đều cảm thấy khó chịu mỗi khi Google sửa đổi thuật toán. Cần phải biết rằng, ngay cả một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến lưu lượng truy cập từ khách hàng bị cắt giảm đáng kể chỉ trong vài giờ.
Mặt khác, Google cũng điều chỉnh các điều khoản trên nền tảng quảng cáo của họ, khiến nó trở nên có lợi hơn đối với người dùng. Bởi vì Google muốn bạn chi tiêu nhiều hơn trên nền tảng mạng quảng cáo của họ (Google Ads), đó là cách để họ có thể thu lợi nhuận từ bạn.
Vì vậy, bạn cần cập nhật những xu hướng mới nhất về Google Ads để khai thác chúng một cách hiệu quả. Điều này sẽ giúp bạn vượt lên trên đối thủ trong lĩnh vực của mình.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ về những thay đổi mới nhất mà Google đã thực hiện đối với nền tảng quảng cáo của mình (Google Ads).
Xu hướng 1: Chiến dịch Hiệu suất Tối đa (Performance Max Campaign)
Trên thực tế, hầu hết những chiến dịch về Google Ads đều có chung một mục đích. Đó là tìm kiếm những khách hàng tiềm năng qua việc chọn một danh sách các từ khóa liên quan, hoặc các trang Web mà bạn muốn quảng cáo của mình xuất hiện trong đó.
Đối với những nhà tiếp thị có kinh nghiệm thì sử dụng cách đó là không có vấn đề. Tuy nhiên, sẽ khá là khó khăn đối với những người mới khi sử dụng phương pháp này, chẳng hạn như các chủ doanh nghiệp nhỏ. Trong những năm gần đây, Google đã bắt đầu phát triển các tính năng mới, cho phép trải nghiệm quảng cáo hoàn toàn tự động, Những tính năng này hỗ trợ hầu hết mọi công việc của một nhà quảng cáo. Một trong những tính năng mới đó là Smart Campaign, giúp người dùng tìm kiếm khách hàng tiềm năng và tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo.
Đặc biệt hơn, vào tháng 5 năm 2021, Google đã cho thấy tham vọng của mình khi khởi động một chiến dịch có tên là Performance Max (Chiến dịch hiệu suất tối đa). Đây là kiểu chiến dịch có thể chạy quảng cáo tự động trên tất cả các nền tảng của Google và không cần sự can thiệp nhiều từ con người .
Vì vậy, khi khởi động chiến dịch này bạn chỉ cần cung cấp các thông tin sau:
- Mục tiêu của chiến dịch – ví dụ: CPA, ROAS
- Những hình ảnh hoặc video quảng cáo mang tính sáng tạo
- Ngân sách
- Giá thầu – ví dụ: bạn có thể đặt giá thầu để xác định số tiền tối đa mà bạn được nhận khi khách hàng nhấp chuột vào quảng cáo
- Vị trí, ngôn ngữ và thời gian quảng cáo
Mục đích của Google là làm đơn giản quá trình tối ưu hóa hiệu suất cho các nhà quảng cáo bằng cách triển khai quá trình đó theo thời gian thực. Vì vậy, Google có thể thông qua việc sử dụng những Tín hiệu của Khách hàng (Audience Signal) mà nhà quảng cáo cung cấp, để hiển thị nhiều quảng cáo hơn cho các đối tượng có nhiều khả năng chuyển đổi.
Do đó, các nhà quảng cáo sẽ dễ dàng hơn trong công việc việc để đạt được các mục tiêu chuyển đổi của mình. Điều đó cũng giúp tăng phạm vi tiếp cận cũng như giá trị chuyển đổi tới khách hàng của họ, so với các chiến dịch tìm kiếm dựa trên từ khóa truyền thống.
Ngoài ra, chiến dịch Performance Max có một lợi thế khá lớn so với các chiến dịch khác của Google. Performance Max có thể giúp các nhà tiếp thị quảng cáo trên mọi kênh mà Google sở hữu như: YouTube, Display, Search, Discover, Gmail, Maps.
Mặt khác, Google vốn không có ý định thay thế công việc của các nhà quảng cáo. Chiến dịch Performance Max dường như nhắm tới những chủ doanh nghiệp nhỏ, những người muốn chạy một chiến dịch quảng cáo cho công ty của họ.
Chiến dịch Hiệu suất tối đa vẫn còn rất mới và ít được biết đến. Vì vậy, có rất nhiều điều để nói về cách chúng sẽ hoạt động hiệu quả như thế nào so với các nhà quảng cáo. Tuy nhiên, nó có thể sẽ thay đổi bối cảnh về công việc quảng cáo theo hướng tốt đẹp trong tương lai.
Xu hướng 2: Định dạng Chiến dịch Địa phương Mới
Khởi động chiến dịch ở các địa phương là biện pháp hàng đầu mà các doanh nghiệp địa phương thường dùng để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn đến cửa hàng của họ. Theo truyền thống, các chiến dịch Google Ads địa phương thường dựa trên các từ khóa tìm kiếm như: “Pizza hut”, “cơm tấm ngon ở Sài Gòn”.
Trong 12 tháng qua, Google đã thêm vào ba tính năng mới giúp quảng bá doanh nghiệp trên Google Maps:
- Quảng cáo tự động đề xuất (Auto Suggest Ads): tự động hiển thị đề xuất một cửa hàng trong kết quả tìm kiếm khi người dùng tìm kiếm một doanh nghiệp gần vị trí của họ. Ví dụ: nếu người dùng tìm kiếm “Rửa xe”, họ sẽ nhận được quảng cáo cho một cửa hàng rửa xe gần đó trong kết quả tìm kiếm trên Maps của họ.
- Quảng cáo điều hướng (Navigation Ads): trong quá trình sử dụng điều hướng trên Maps, chức năng này sẽ hiển thị một doanh nghiệp gần với vị trí của bạn, bất kể điểm đến là gì. Điều đó có nghĩa là người dùng có thể thấy gợi ý về một cửa hàng hoặc doanh nghiệp gần với vị trí của họ trên tuyến đường điều hướng, ngay cả khi điểm đến của họ không gần đó.
- Quảng cáo địa điểm tương tự (Similar Place Ads): cho phép một doanh nghiệp hiển thị vị trí doanh nghiệp của họ cho những người dùng đang tìm kiếm trên Bản đồ các công ty tương tự gần đó. Ví dụ, nếu ai đó đang muốn mua cơm tấm từ một địa điểm hiện đã đóng cửa, họ sẽ thấy một quảng cáo từ một tiệm cơm khác gần với vị trí của họ.
Do đó, các doanh nghiệp địa phương có thể hưởng lợi đáng kể từ những tính năng trên. Đặc biệt là tính năng “Tự động đề xuất (Auto Suggest Ads)” và “Địa điểm tương tự (Similar Place Ads)”. Hai tính năng này giúp họ dễ dàng giới thiệu cửa hàng hơn trong một bối cảnh mà người dùng đang tìm kiếm những gì mình cần.
Ngoài ra, Google cũng thêm một tính năng có tên là Quảng cáo hàng lưu kho tại địa phương (Local Inventory Ads). Tính năng này giúp bạn giới thiệu sản phẩm và bán cho những khách hàng ở gần đó và đang tìm kiếm thông tin bằng Google.
Số liệu cho cho thấy khoảng 76% người dùng thực hiện việc tìm kiếm thông tin về các sản phẩm bằng Google. Thêm vào đó, họ thường kết thúc tìm kiếm bằng việc ghé thăm một cửa hàng ngay ngày hôm đó, và có đến 28% trong số đó mua hàng ngay lập tức. Do đó, việc sử dụng tính năng mới này sẽ giúp bạn cải thiện hiệu quả của các chiến dịch địa phương.
Xu hướng 3: Đặt giá thầu ROAS mục tiêu cho chiến dịch hành động trên Video và quảng cáo khám phá
Trên thực tế, Google thường cung cấp nhiều chiến lược đặt giá thầu khác nhau cho các định dạng chiến dịch khác nhau.
“Trong đó, có một chiến lược khá hữu ích có tên là ROAS Mục Tiêu (Target ROAS) hay còn được gọi tắt là tROAS. Chiến lược này giúp bạn đặt giá thầu dựa trên giá trị chuyển đổi trung bình (doanh thu) mà bạn muốn nhận với mỗi đồng mà bạn bỏ ra cho quảng cáo”.
Ví dụ, bạn muốn với mỗi 20.000 VND chi cho quảng cáo, bạn sẽ thu về 100.000 VND doanh số. Khi đó bạn cần đặt tROAS là 500%.
Chiến lược tROAS thường có sẵn cho hầu hết các loại chiến dịch, ngoại trừ các chiến dịch hành động trên Video và quảng cáo khám phá. Tuy nhiên, Google đang có kế hoạch để tROAS có thể áp dụng lên các chiến dịch này.
Để sử dụng chiến lược tROAS, bạn cần đáp ứng hai điều kiện sau:
- Bạn cần thiết lập những giá trị chuyển đổi mà bạn đang theo dõi. Bạn cũng có thể sử dụng dữ liệu trước đây về giá trị chuyển đổi của các chiến dịch Google ads khác của mình
- Với chiến dịch Hành động trên Video (Video Action), bạn cần phải có ít nhất 15 lượt chuyển đổi trong vòng một tháng. Mặt khác, với chiến dịch Quảng cáo khám phá (Discovery Ads) thì bạn cần có 75 lượt chuyển trong một tháng. Và 10 lượt trong số đó phải xảy ra trong vòng 1 tuần
Ngoài ra, Google cũng khuyên bạn nên dùng tối đa gấp 2 lần chi phí so với chi phí trung bình hàng ngày của mình để thu thập đủ dữ liệu giúp bạn tận dụng chiến lược tROAS một cách hiệu quả nhất.
Bạn có thể xem Ví dụ này để biết rõ hơn về cách hoạt động của đặt giá thầu ROAS mục tiêu
Tìm hiểu thêm: Xu hướng Google Ads nào sẽ phổ biến vào năm 2021? (Phần 2)
Nguồn: Singlegrain | bởi: Leo Phạm