Vào năm 1996, nhà sáng lập của Microsoft – Bill Gates đã phát biểu rằng “Content is King” (Nội dung là vua). Từ đó, có thể thấy được mục đích của ông là muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Nội dung trong Marketing.
Ngoài ra, Bill Gates cũng từng nói: “Những khoản tiền khổng lồ sẽ được tạo ra nhờ vào nội dung trên Internet, theo như suy đoán của tôi, điều này cũng giống như việc mà nền công nghiệp phát thanh đã làm trong quá khứ để kiếm bộn tiền.”
Trên thực tế, việc Content Marketing cho phép bạn tiếp cận khách hàng vào đúng thời điểm họ đang tìm kiếm thứ gì đó. Điều này không có nghĩa là bạn cần làm gián đoạn họ để phục vụ cho mục đích tiếp cận của mình. Thay vào đó, bạn sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, giúp giải quyết vấn đề của họ và điều đó thu hút khách hàng đến với thương hiệu của bạn.
Vào năm 2021, có đến 79% nhà tiếp thị B2B báo cáo rằng tổ chức của họ đã áp dụng chiến lược Content Marketing. Thêm vào đó, 42% trong số họ báo cáo rằng công ty của họ đã thành lập được văn bản rõ ràng về chiến lược Content Marketing, tăng 33% so với năm ngoái. Vì vậy, bạn có thể thấy rất nhiều nhà tiếp thị đã nhận ra tầm quan trọng của Content trong Marketing đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Bất kỳ thứ gì từ bài đăng trên Blog đến Email, hình ảnh, đồ họa thông tin (Infographic), Video hoặc sách trắng (White Paper) đều có thể được sử dụng để cung cấp kiến thức chuyên môn. Điều này khuyến khích họ tương tác nhiều hơn với thương hiệu, dẫn đến việc mua hàng từ bạn.
Mặc dù Content Marketing là một phần cực kỳ quan trọng và hiệu quả của bất kỳ chiến lược Digital Marketing nào, nhưng đâu đó vẫn tồn tại những thách thức cần được giải quyết và vượt qua!
1. Sản xuất nội dung chất lượng cao
Theo Hubspot, việc cung cấp nội dung chất lượng cao tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của khách hàng nhiều hơn bất kỳ kỹ thuật nào khác.Việc dùng Nội dung để tiếp thị có thể là một trong những cách hiệu quả nhất để quảng bá doanh nghiệp của bạn, nhưng chỉ áp dụng với nội dung có chất lượng cao.
Thêm vào đó, chất lượng nội dung của bạn có tác động trực tiếp không chỉ đến cách nó hoạt động trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERPs), mà còn đến cách khán giả mục tiêu của bạn phản ứng và tương tác với nó.
Tất cả những nội dung mà bạn sản xuất cần phải khác biệt, tốt hơn so với phần còn lại để thu hút khách hàng. Nội dung của bạn nên cung cấp cho khách hàng thứ gì đó có giá trị đối với họ để tránh việc họ quay lại trang kết quả của công cụ tìm kiếm để tìm những nội dung khác có giá trị hơn.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm về mảng sản xuất nội dung, sẽ khá là khó cho bạn để phân biệt đâu là nội dung chất lượng cao, đâu là nội dung chất lượng thấp và nội dung đó có thể cung cấp những gì cho khách hàng của bạn. Vì thế, để đảm bảo bạn cung cấp thứ gì đó tốt hơn hoặc khác biệt hơn, hãy xem đối thủ cạnh tranh của bạn đang làm gì, nội dung của họ hoạt động như thế nào trên SERPs để hiểu được loại nội dung bạn cần sản xuất.
Qua đó, bạn có thể sản xuất được những nội dung có chất lượng vượt qua chất lượng nội dung của đối thủ cạnh tranh và cung cấp cho khách hàng của bạn một chút gì đó khác biệt.
2. Tạo nội dung nhất quán
Để nội dung của bạn hiệu quả và có ảnh hưởng mạnh mẽ, bạn cần sản xuất nội dung một cách nhất quán. Nếu bạn muốn được coi là một nhà lãnh đạo về mặt tư tưởng hoặc một chuyên gia trong ngành của bạn, thì việc sản xuất nội dung một cách nhất quán sẽ cho phép bạn làm điều này. Tuy nhiên, nếu trang Blog hoặc Website của bạn chỉ sản xuất được vài nội dung trong nhiều tháng, thì điều này sẽ khá là khó khăn để nội dung của bạn mang lại hiệu quả và tạo ra ảnh hưởng.
Do đó, điều lý tưởng nhất là bạn nên sản xuất tối thiểu vài nội dung mỗi tháng hoặc nhiều hơn, việc này sẽ cho thấy những nỗ lực Content Marketing của bạn là không uổng phí. Ngoài ra, để có thể thưởng xuyên sản xuất nội dung, bạn nên lập một kế hoạch về Content Marketing trong khoảng sáu tháng tiếp theo.
Khi sản xuất nội dung, bạn cần có một chiến lược rõ ràng và được phác thảo kỹ càng từ trước. Điều này sẽ giúp bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các chiến dịch Content Marketing và cũng có thể khiến cho các bên liên quan thấy tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc có một chiến lược từ trước sẽ tiết kiệm thời gian về lâu dài, vì nó sẽ cung cấp cho bạn một bản phác thảo rõ ràng về những gì bạn cần làm và mục tiêu của bạn là gì. Thêm vào đó, nó cũng sẽ giúp bạn không phải loay hoay tìm kiếm thứ gì đó để viết mỗi tháng hoặc mỗi tuần một lần.
3. Điều chỉnh nội dung của bạn phù hợp với trải nghiệm và quan điểm của khách hàng
Trên thực tế, nhiều nhà tiếp thị thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nội dung của họ sao cho phù hợp với các cá tính và các giai đoạn khác nhau trên hành trình trải nghiệm nội dung của khách hàng.
Ngoài ra, bạn nên biết rằng không có khách hàng nào giống nhau cả. Họ có thể có cùng sở thích và tìm kiếm những giá trị tương tự nhau, nhưng về bản chất, họ vẫn rất khác nhau và thích trải nghiệm nội dung theo những cách khác nhau. Vì vậy, nếu bạn đã có sẵn một chiến lược rõ ràng về việc tạo ra nội dung, bạn nên bắt đầu tập trung về vấn đề tính cách của khách hàng.
Bên cạnh đó, hãy suy nghĩ về những nội dung mà khách hàng muốn tiêu thụ và cách họ muốn tiêu thụ nội dung đó. Hoặc, bạn cũng có thể sử dụng lại cùng một phần nội dung ở các định dạng khác nhau để phù hợp với những khách hàng này.
Mặt khác, bạn nên đảm bảo rằng nội dung của mình có thể phục vụ nhu cầu của khách hàng ở mọi giai đoạn trong hành trình của họ. Và sẽ là một thách thức lớn cho bạn, để có thể đảm bảo rằng khách hàng sẽ nhận được nội dung phù hợp với họ vào đúng thời điểm.
Nghiên cứu cho thấy, 47% người mua xem ít nhất 3-5 phần nội dung trước khi họ liên hệ với một doanh nghiệp. Thêm vào đó, khoảng 82% khách hàng có cái nhìn tích cực hơn về thương hiệu sau khi đọc nội dung của họ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo bạn cung cấp thông tin trong suốt hành trình của người mua chứ không chỉ ở đầu kênh.
Để có thể tạo ra nội dung phù hợp với khách hàng, hãy ngồi xuống và xem xét, phân tích tính cách của họ và những gì họ được trải nghiệm trước khi mua hàng của bạn. Sau đó, hãy vạch ra những phần nội dung sẽ giúp trải nghiệm của khách hàng tốt hơn và đăng chúng lên kênh bán hàng của bạn, đồng thời hãy tạo và chia sẻ chúng ở những nơi phù hợp.
4. Đo lường chỉ số ROI
Trước đây, việc đo lường chỉ số ROI (Return On Investment) là rất khó trong các chiến lược Content Marketing. Do đó, sẽ khá là khó trong việc tạo ra mối liên quan giữa các số liệu, chỉ số chuyển đổi với các phần nội dung cụ thể để đo lường và đánh giá tác động của nó đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, chỉ số ROI trong các chiến lược là chủ quan và dựa trên các mục tiêu hoặc sứ mệnh kinh doanh của bạn.
Để đo lường chỉ số ROI một cách hiệu quả hiệu quả, bạn cần phác thảo rõ ràng những mục tiêu bạn muốn chiến lược Content Marketing của mình đạt trước khi bắt đầu. Hãy đặt câu hỏi về những mục tiêu đó. Ví dụ:
Bạn có đang muốn tăng lưu lượng truy cập vào Website? Bạn có muốn tạo ra những khách hàng tiềm năng không? Bạn có muốn trở thành nhà lãnh đạo về mặt tư tưởng trong ngành của mình không?
Sẽ rất khó để biết được liệu mình có thành công hay không nếu bạn không xác định được mình đang tìm kiếm những gì.
Nếu như bạn không biết rõ ràng mục tiêu của mình mà đã bắt đầu sản xuất nội dung rồi xuất bản thì điều đó sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc hiểu về tác động của nội dung đó về lâu dài. Hãy đặt ra các mục tiêu rõ ràng và theo dõi các mục tiêu này sẽ giúp bạn đánh giá mức độ thành công của những nỗ lực mà mình bỏ ra. Điều này cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí.
Xem thêm: Những thách thức nào bạn cần vượt qua khi triển khai Content Marketing? (Phần 2)
Nguồn: Digital agency network | bởi: Leo Phạm