Bí quyết bắt tay trong giao tiếp

 

Trong nghệ thuật giao tiếp, bắt tay được xem là một kỹ năng giao tiếp quan trọng tạo ấn tượng ngay trong lần đầu gặp mặt. Bắt tay là một cử chỉ xuất hiện ngay từ thuở bắt đầu có nền văn minh loài người. Trong thực tế, tục bắt tay thoạt đầu được nghĩ ra nhằm chứng tỏ trong tay bạn không có vũ khí khi bạn gặp mặt ai đó lần đầu tiên. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta thường bắt tay trong các cuộc họp, khi chào hỏi, tỏ ý chúc mừng, khi kết thúc một bản hợp đồng hay đơn giản chỉ với ý hỏi thăm: “Anh ổn chứ?”.

Bất kể bạn phải bắt tay trong tình huống nào thì cũng nên coi đây là một phần trong kỹ năng giao tiếphàng ngày. Bắt tay là biểu hiện của lòng tin tưởng và phần nào tạo dựng các mối quan hệ bền vững. Hãy tưởng tượng lần đầu tiên bạn gặp một đối tác phong mạo đĩnh đạc, trang phục lịch thiệp nhưng khi bắt tay anh ta, cô ta thì trời hỡi, bạn cảm thấy như đang cầm phải ngón tay của một đứa trẻ sơ sinh thì quả thực chẳng ra sao.

Theo một điều tra của các chuyên gia về nhân sự năm 2001, đa số các nhà tuyển dụng đều cho rằng họ dễ có xu hướng bỏ qua các vết xăm hay sẹo nhưng lại rất để ý việc ứng viên có biết cách bắt tay hay không. Thêm nữa, cũng theo một nghiên cứu của Incomm Center, nếu bạn bắt tay khi gặp mặt thì người được bắt tay sẽ nhớ tới bạn lâu hơn là khi bạn không bắt. Khi bạn đạt đỉnh cao trong nghệ thuật giao tiếp – bắt tay, bạn sẽ thu hái được nhiều ấn tượng hơn trong lần đầu gặp mặt khách hang hay bất kỳ ai. Việc bạn có được một hợp đồng trị giá sẽ dễ hơn khi bạn có một ấn tượng tốt trong mắt đối tác trong bước đầu tiên này.

Vai trò của cái bắt tay như thế là đã rõ, bây giờ đã đến lúc bạn cần tìm hiểu xem cách nắm tay của mình có mạnh mẽ, tình cảm hay là quá tồi tệ.

** 10 kiểu bắt tay nên tránh

Để tránh tạo ra ấn tượng ban đầu không tốt, nguy cơ bị huỷ hợp đồng hay đơn giản chỉ đẩy bạn vào tình trạng bối rối, bạn nên tránh 10 cách bắt tay không hiệu quả dưới đây:

  1. Bắt tay quá mạnh:Đây là kiểu siết tay mạnh tới mức có thể làm gãy xương người khác mà rất nhiều doanh nhân thường áp dụng. Đâu cần thiết bạn phải chứng tỏ sức mạnh cơ bắp của mình qua việc bắt tay người khác như thế chứ!
  2. Bắt tay quá yếu ớt:Kiểu bắt tay này thường có ở những nam giới vốn e ngại “làm đau phái nữ”. Tuy nhiên, rất nhiều những phụ nữ hiện đại mong muốn các đối tác nam giới hãy tỏ ra tôn trọng nữ giới, theo cách họ vẫn thể hiện qua cái bắt tay với đồng nghiệp nam.
  3. Bắt tay kiểu “cá chết”:Kiểu bắt tay này chẳng chuyển tải được chút thông điệp nào. Mặc dù không nhất thiết phải chuyển sang kiểu bắt quá chặt nhưng rõ ràng kiểu siết chặt một chút còn tỏ ra có chút hiệu quả hơn là kiểu chỉ đơn giản nắm vào tay đối tác.
  4. Bắt tay kiểu “bốn ngón”:Đây là kiểu bắt tay khi tay người được bắt không bao giờ chạm hết vào bàn tay bạn.
  5. Để tay lạnh và ẩm ướt khi bắt tay:Kiểu bắt tay này khiến bạn có cảm giác như đang bắt tay với một con rắn vậy. Hãy ủ ấm tay mình trước khi bắt tay với ai đó.
  6. Lòng bàn tay dấp dính mồ hôi:Bạn nên dùng các loại bột khô mịn để giải quyết tình trạng này.
  7. Dùng tay trái phủ lên bàn tay vừa bắt:Cách bắt tay này khiến người khác có cảm giác như việc bắt tay của bạn có gì đó cần phải giấu giếm vậy.
  8. Kiểu “tôi chẳng muốn rời xa”:Bắt tay xong rồi mà đối tác vẫn chưa chịu bỏ tay xuống. Sau hai đến ba lần lắc tay, bạn nên gỡ tay ra. Việc bắt tay cũng giống như khi đặt một nụ hôn vậy, bạn phải biết khi nào cần chấm dứt.
  9. Kiểu “thuận tay trái”:Kiểu này thường xảy ra khi đối tác dùng tay trái để bắt vì tay phải đang “bận” cầm thức ăn hay đồ uống. Do vậy bạn nên luôn luôn mang đồ uống hay thức ăn bên tay trái để tay phải được “tự do” gặp gỡ và chào hỏi mọi người.
  10. Kiểu “tra tấn bằng nhẫn”:Kiểu này xảy ra khi chiếc nhẫn trên tay người bắt làm đau tay bạn. Nên hạn chế số nhẫn đeo bên tay phải ở mức một hoặc hai chiếc và rất cẩn thận với những loại nhẫn có mặt to.

Ba bước để biết cách bắt tay đúng đắn

– Khi bạn tiến lại gần ai đó, tới cách họ khoảng 30cm, bạn chìa bàn tay hơi chéo so với ngực, ngón tay cái chĩa thẳng.

– Nắm tay lại, ngón cái của bạn khít với ngón cái của đối tác, sau đó nắm chặt tay của họ mà không siết quá mạnh.

– Lắc tay đối tác hai đến ba lần rồi thả ra.

* 6 mẹo nhỏ để chào hỏi ấn tượng:

– Đứng dậy.

– Bước tới hoặc nghiêng người về phía trước một chút.

– Chăm chú nhìn đối tác.

– Gương mặt tỏ vẻ phấn khởi và tươi tắn.

– Bắt tay.

– Chào hỏi và nhắc lại tên đối tác.

Để đạt được hiệu quả cao nghệ thuật giao tiếp – bắt tay bạn cần thực hành thật nhiều. Chúc bạn thành công.

 


Theo dõi giải pháp facebook